Tất nhiên, đã là tác động nhân tạo, nhất là có sử dụng
đến chất hóa học lên cơ thể thì chắc chắn sẽ phải có ảnh hưởng không tốt về mặt
sức khỏe. Ví như làm móng nhiều có thể gây ung thư, lạm dụng PTTM có thể làm biến
dạng, thay đổi cấu trúc khuôn mặt... thì làm trắng răng cũng có nguy cơ tiềm
tàng nguy hiểm không kém.
Đây có lẽ cũng là lí do vì sao, trước làn sóng sử dụng
miếng dán được cho là một cách làm răng trắng sáng đang
lan rộng hiện nay, nhiều nha sĩ đã khuyên khách hàng của mình nên cẩn thận khi
sử dụng sản phẩm miếng dán trắng răng, và tốt nhất là nên thực hiện tại các
trung tâm, bệnh viện uy tín. Vậy, thực chất điểm có hại cho người dùng miếng
làm trắng răng là gì, và tầm ảnh hưởng xấu của nó đối với con người nghiêm trọng
tới mức nào?
Miếng dán... không có khả năng tẩy trắng răng
Sở dĩ có khẳng định như vậy là bởi, chất hydrogen peroxide có trong miếng dán
làm trắng cũng chính là chất tẩy răng mà các nha sĩ dùng cho khách hàng. Thông
thường, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng nồng độ hydrogen peroxide là 45% để tẩy
trắng răng trước trong khoảng 1 tiếng, rồi lại tiếp tục với một dụng cụ chuyên
biệt (không làm ảnh hưởng tới nướu răng) có chứa hydrogen peroxide ở nồng độ từ
10 - 15%, đây được coi là nồng độ an toàn của chất tẩy này. Tuy nhiên, miếng
dán làm trắng răng với nồng độ hydrogen peroxide theo quảng cáo chỉ là khoảng
10%. Theo các nha sĩ thì chắc chắn nồng độ đó không thể giúp tẩy trắng răng chỉ
trong... 3 đến 14 ngày. Nồng độ này chỉ có thể thành công với thời gian sử dụng...
trên 2 tháng. Còn nếu miếng dán bạn mua có khả năng làm trắng răng trong thời
gian ngắn bất ngờ, thì điều này chứng tỏ miếng dán của hãng đó sử dụng nồng độ
hydrogen peroxide cao hơn. Và lúc này, hậu quả sẽ lại đi theo một chiều hướng
khác...
Đốt cháy nướu răng, hoại tử, tụt nướu
Thực chất, các miếng dán không được thiết kế vừa vặn đúng hàm răng, bởi vậy mà
khi dùng, chắc chắn bạn sẽ phải dán đè lên cả nướu hay chất hoá học trên miếng
dán sẽ dây sang môi, lợi... Điều này tạo nên phản ứng ôxy hóa của hydrogen
peroxide, khiến nướu răng có thể bị đốt cháy nếu sử dụng miếng dán quá lâu hay
dán bị sai lệch vị trí, nguy hiểm hơn nữa là gây lở loét dẫn tới hoại tử, tụt
nướu... Đáng buồn là một khi nướu răng đã bị tổn hại thì rất khó lòng chữa khỏi.
Lúc đó, người bệnh chỉ còn cách phải dùng kem đánh răng chống ê buốt... cả đời.